Thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Phụ huynh tên Hương ở TP.HCM bức xúc: “Trước lúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, Trường ĐH Sài Gòn công bố điểm sàn xét tuyển, trong đó nêu rõ điểm sàn được xác định bằng tổng điểm ba môn thi (không nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên khu vực + điểm ưu tiên đối tượng.
Con tôi tính toán và đã đăng ký đến năm nguyện vọng vào trường này nhưng cuối cùng đều rớt hết vì trường bất ngờ nhân hệ số 2 môn chính”.
Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại phản ánh: “Trường ĐH Sài Gòn bất ngờ thay đổi phương thức, cách tính điểm môn chính giống như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm ngoái trường này nhân hệ số 2 môn chính nhưng năm nay lại không nhân hệ số 2 nữa”.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn công bố ngày 15-2-2017, trong đó có thông tin tuyển sinh chính quy hai năm gần nhất nêu rõ: “Điểm trúng tuyển hai năm gần nhất (nếu lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia) - điểm trúng tuyển đã nhân hệ số 2 môn chính”.
Nhà trường cũng công bố môn chính ở rất nhiều ngành. Đồng thời cho biết: “Mức điểm ưu tiên xác định theo quy định tại khoản 5, điều 7 quy chế tuyển sinh được tính theo thang điểm 10 trên tổng điểm tối đa ba bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30.
Đối với các ngành có quy định môn thi chính (được nhân hệ số 2 khi xét tuyển trong tổ hợp xét tuyển, mức điểm ưu tiên sẽ được quy đổi tương ứng với thang điểm mới”.
Đến ngày 13-7, Trường ĐH Sài Gòn công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn - PV) của trường xét tuyển đợt I năm 2017 với ba mức: 16, 17 và 19 điểm. Trong đó nêu rõ: “Điểm sàn được xác định bằng tổng điểm ba môn thi (không nhân hệ số môn chính) + điểm ưu tiên khu vực + điểm ưu tiên đối tượng".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho rằng việc trường công bố đề án tuyển sinh trong đó có quy định việc áp dụng nhân hệ số 2 môn chính và việc trường công bố điểm sàn xét tuyển không nhân hệ số môn chính là hai chuyện độc lập nhau.
“Các trường tuyển sinh nhiều ngành trong đó có ngành áp dụng môn chính và có ngành không áp dụng môn chính nhưng cách khoa học và đơn giản nhất điểm sàn giống như Bộ GD-ĐT công bố chỉ là tổng điểm ba môn không áp dụng nhân hệ số môn chính.
Thứ hai, điểm xét tuyển khác với điểm trúng tuyển. Điểm chuẩn trường công bố đều theo thang 30, trong đó có các ngành áp dụng môn chính nhân hệ số 2 (thang 40, đã được quy về thang 30). Thực tế nhiều thí sinh, phụ huynh thấy điểm thang 40 cao nhưng quy về thang 30 điểm lại thấp nên thắc mắc”, ông Sơn nói.
TS Mỵ Giang Sơn cũng khẳng định trước đây trong đề án tuyển sinh nhà trường công bố điểm chuẩn xác định theo ngành, ngành nào có môn chính thì môn chính nhân hệ số 2. Khi xét tuyển nhà trường vẫn áp dụng đúng như những gì đã công bố. Còn việc công bố điểm thang 40 hay quy về thang 30 đều như nhau.
“Hiện nay phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT đã quy tất cả về thang 30 điểm. Việc quy đổi này ra kết quả tương đương, mức độ điểm xếp từ trên xuống dưới của hai thang điểm là như nhau.
Với việc quy về thang 30 vẫn đảm bảo được môn chính nhân 2, thí sinh có thế mạnh môn chính vẫn có ưu thế khi xét tuyển. Việc này không ảnh hưởng gì đến kết quả xét tuyển”, ông Sơn nhấn mạnh.